Cổ phiếu của Tencent tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ở Hong Kong hôm 21/11, khiến giá trị thị trường của tập đoàn mạng xã hội và game ở Trung Quốc đạt khoảng 522 tỷ USD, theo FactSet. Trong khi đó, giá trị thị trường của tập đoàn Facebook hiện nay là trên 519 tỷ USD.
CNN nhận định giá cổ phiếu Tencent tăng liên tục trong tháng 11 sau khi tập đoàn công bố lợi nhuận quý III với mức lãi vượt xa kỳ vọng. Doanh thu của mảng game, với những tựa game đình đám như "Honors of King", tăng hơn 50% so với năm ngoái.
Ông Ma Huateng, người sáng lập tập đoàn Tencent. Tập đoàn của ông vừa trở thành công ty đầu tiên đạt giá trị 500 tỷ USD ở châu Á. Ảnh: Forbes |
Tencent nổi tiếng với ứng dụng nhắn tin trên thiết bị di động WeChat. Do cổ phiếu của Tencent đã tăng giá hơn gấp đôi từ đầu năm tới nay, giới đầu tư dự đoán họ có thể trở thành công ty đầu tiên ở châu Á đạt giá trị 500 tỷ USD và vượt qua Facebook về giá trị thị trường.
Nhờ cú tăng giá của cổ phiếu Tencent, tài sản của ông Ma Huateng, người sáng lập công ty và sở hữu 9% cổ phiếu, đạt 48,3 tỷ USD - đưa ông vào danh sách 10 người giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng thời gian thực của tạp chí Forbes. Đây là lần đầu tiên một người Trung Quốc lọt vào danh sách 10 người giàu nhất hành tinh.
Văn hóa cạnh tranh nội bộ
Ma Huateng từng phát biểu trước giới truyền thông rằng ông khuyến khích các bộ phận trong công ty cạnh tranh sòng phẳng với nhau để thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đổi mới. Chẳng hạn, 6 bộ phận trong công ty luôn cạnh tranh với nhau để giành giật khách hàng trong mảng phát video trực tuyến. Cơ chế độc đáo ấy buộc mọi nhân viên của Tencent phải liên tục tìm tòi ý tưởng mới, thích nghi nhanh với mọi thay đổi của thị trường.
"Cạnh tranh nội bộ là động lực của sáng tạo, thúc đẩy nhân viên của Tencent chủ động tìm kiếm sản phẩm mới, để không thua kém đồng nghiệp", ông Ma thổ lộ. Theo ông, không tìm thấy xu hướng mới chính là nguyên nhân cơ bản khiến mọi doanh nghiệp thất bại.
"Mọi nhân viên của Tencent đều cảm thấy xấu hổ nếu thua đồng nghiệp", Alex Bai, cựu giám đốc sản phẩm của Tencent, kể lại.
Những cuộc họp của Tencent diễn ra hàng tháng dưới sự chủ trì của ông Ma. Tất cả nhân viên - từ cấp thấp nhất tới cao nhất - sẽ thảo luận những ý tưởng, dự án của họ. Ma sẽ lựa chọn những dự án, ý tưởng khả thi và giao cho chính những người nảy ra ý tưởng thực hiện dự án.
Các bộ phận kinh doanh của công ty thảo luận với nhau qua WeChat. Bản thân ông Ma và các nhà quản lý cũng giao tiếp với cấp dưới qua WeChat. Đây là cơ chế ra quyết định rất độc đáo ở cả Trung Quốc lẫn trên thế giới.
Con đường phía trước
Tài sản của ông Ma lớn hơn cả tài sản của Larry Page và Sergey Brin - hai người sáng lập Google, và cũng lớn hơn gia đình sở hữu tập đoàn siêu thị Walmart.
Forbes định giá tài sản của Ma Huateng vào khoảng 24,9 tỷ USD hồi tháng 3 năm nay. Nhưng chỉ 8 tháng sau, tài sản của ông tăng gần gấp đôi.
Với đà phát triển mạnh trong nước, Tencent tích cực đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn đã mua cổ phần của nhiều công ty công nghệ lớn cũng như rót vốn vào nhiều doanh nghiệp mới tiềm năng trong năm 2017, điển hình là Snap, Tesla, Activision Blizzard.
Mặc dù vậy, khoảng cách về giá trị thị trường của Tencent còn khá xa so với những tập đoàn công nghệ hàng đầu ở Thung lũng Sillicon. Hiện tại giá trị thị trường của Apple là 870 tỷ USD. Con số tương tự của Alphabet (công ty mẹ của Google) và tập đoàn thương mại điện tử Amazon lần lượt là 710 tỷ USD và 543 tỷ USD.
Kim Cương/CNN
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.