Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, hội chứng rung lắc trẻ em là dạng nặng của chấn thương đầu và não gây ra khi trẻ bị rung lắc mạnh.
Mới đây, loạt clip trích xuất từ camera an ninh đăng tải lên mạng xã hội ghi lại sự việc 1 người phụ nữ đang liên tục dùng tay đánh đập, tát vào đầu, xốc mạnh và tung hứng 1 bé gái lên cao khiến mọi người bất bình, phẫn nộ. Trong clip, bé gái đang nằm trên giường khóc thì bị người phụ nữ đi lại "dỗ" bằng cách dùng tay liên tiếp đánh vào mông, lưng bé. Sau đó, người này còn kéo cổ, bế xốc bé lên rất mạnh, tung bé lên cao nhiều lần.
|
Bé gái hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc tung hứng dã man. (Ảnh cắt từ clip) |
Thấy bé chưa hết khóc, người phụ nữ này lại đặt bé xuống giường rồi mắng chửi, tiếp tục đánh nhiều cái vào người, vào đầu bé. Chưa hết, người phụ nữ còn bế xóc nách bé lên, để bé ngồi trên đùi rồi đánh liên tiếp nhiều cái vào đầu rất dã man.
Được biết, em bé trong clip mới chỉ hơn 1 tháng tuổi. Trẻ nhỏ ở độ tuổi này chưa biết nói để biểu đạt nhu cầu, mong muốn. Vậy nên bé dùng tiếng khóc là phương tiện để báo hiệu cho mọi người biết bé đang khó chịu, đang đói, buồn ngủ, sợ hãi hay đang muốn bế ẵm, vỗ về.
|
Trẻ sơ sinh khóc để biểu đạt nhu cầu, mong muồn. (Ảnh: BellyBelly) |
Với bố mẹ hay người chăm sóc trẻ, nếu chưa hiểu về tâm lý trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sẽ rất dễ bị căng thẳng, thay vì “dỗ” bé khóc bằng cách âu yếm, vỗ về thì lại tìm cách khác để buộc trẻ phải nín ngay.
Hành động rung lắc trẻ, xốc mạnh, tung hứng, đánh đập kèm theo chì chiết của người phụ nữ trong đoạn clip mang tính chất bạo hành nghiêm trọng, không những ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Rung lắc trẻ em gây ra những tổn thương não nghiêm trọng
Theo Hiệp hội Nh` rung lắc trẻ em là dạng nặng của chấn thương đầu và não gây ra khi trẻ bị rung lắc mạnh. Đây là một dạng bạo hành xảy ra khi bố mẹ hay người chăm sóc xốc mạnh, rung lắc trẻ nhằm giải tỏa stress và tức giận khi nghe trẻ khóc. Trẻ càng nhỏ thì mức độ tổn thương não càng lớn.
|
Việc rung lắc mạnh đầu từ trước ra sau sẽ gây tổn thương não nghiêm trọng. (Ảnh: Fatherly) |
Não bộ trẻ sơ sinh chỉ nặng bằng 25% não người lớn, nhưng đến khi tròn 1 tuổi, não trẻ sẽ tăng gấp đôi trọng lượng. Bởi thế trong đầu trẻ sơ sinh, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển. Não của trẻ sơ sinh khá mềm với màng não mỏng. Nhóm cơ cổ của trẻ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn. Việc rung lắc mạnh đầu từ trước ra sau sẽ gây tổn thương não nghiêm trọng.
Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.
Theo BabyCenter, chỉ 5 giây rung lắc cũng gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Các tổn thương não bao gồm:
- Não bị chảy máu vi thể
- Trẻ có thể bị hội chứng rung giật do rung lắc
- Trẻ có thể bị động kinh cục bộ
- Tụt não (thoát vị não)
Việc đánh đập, chì chiết, không đáp ứng nhu cầu của trẻ cũng gây tổn thương tâm lý lâu dài
Ngoài những tổn thương về não bộ từ nhẹ đến nặng, việc đánh trẻ kèm theo chì chiết, mắng mỏ, xúc phạm nặng nề, không đáp ứng nhu cầu của trẻ, để mặc trẻ khóc cũng gây ra những tổn thương về mặt tâm lý. Theo Baby Center, những hành động này nếu diễn ra thường xuyên sẽ làm tăng tiết hormone cortisol – loại hormone stress ở trẻ, khiến trẻ chậm phát triển, ngủ không ngon, đêm ngủ dậy hay khóc lóc, hoảng sợ.
Não bộ của trẻ sơ sinh vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Trẻ khóc để biểu đạt nhu cầu và từ đó hình thành cảm giác mong đợi bố mẹ/ người chăm sóc đáp ứng nhu cầu của trẻ. Việc để mặc trẻ khóc hoặc tìm mọi cách bắt ép trẻ nín khóc hay “dỗ” trẻ bằng cách phản khoa học như trên sẽ khiến trẻ khi lớn lên dễ mắc các chứng bệnh rối loạn tâm lý.
|
Việc đánh đập, chì chiết, không đáp ứng nhu cầu của trẻ cũng gây tổn thương tâm lý lâu dài. (Ảnh: Women's Health) |
Cách dỗ trẻ sơ sinh nín khóc
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ khóc. Ngoài nguyên nhân bệnh lý, đa phần trẻ khóc do một số nguyên nhân nhất định như vì đói, đầy bụng, khát, nóng/ lạnh, buồn ngủ, sợ hãi, khó chịu, muốn thay bỉm, muốn được ôm ấp, bế ẵm.
Khi trẻ khóc, cần xác định xem có phải khóc do trẻ mắc bệnh gì không. Nếu trẻ khóc thét, sắc mặt trắng nhợt, tiếng khóc yếu ớt bất thường, khóc kèm nôn mửa, vã mồ hôi, bế ẵm vỗ về nhưng vẫn khóc thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Với trẻ 0-6 tháng tuổi, trẻ rất thích được mẹ ôm ấp, vỗ về. Vậy nên cách dỗ trẻ nín khóc đơn giản nhất ở giai đoạn này là bế trẻ lên. Trẻ sẽ có cảm giác yên tâm, được bảo vệ và sẽ nín khóc. Một số mẹ nuôi con sữa mẹ chia sẻ cách dỗ con nín khóc bằng cách cho con bú mẹ. Đây cũng là cách hiệu quả bởi khi bú mẹ (dù trẻ có đang đói hay không) đều mang lại cảm giác dễ chịu cho trẻ. Mẹ cũng có thể áp dụng cách này.
(T.V)